Chắc chắn phải “ăn đong” điện mùa hè này
Khả năng phải tiết giảm điện, cắt điện luân phiên sẽ khó tránh khỏi nếu như hệ thống điện bị hụt từ 2-5% sản lượng, tức là khoảng từ 580 triệu – 1,3 tỷ kWh.
Ngày 9/4, ông Đặng Hoàng An, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chủ trì cuộc họp báo về tình hình thiếu điện mùa khô.
Hụt tới 1,3 tỷ kWh
PV: Thưa ông, xin ông phân tích rõ hơn về khả năng bị mất cân đối cung cầu tới 2-5% sản lượng trên hệ thống điện quốc gia?
- Đó là trường hợp xấu nhất có thể xảy ra về cung cầu điện trong 3 tháng tới. Theo tính toán của chúng tôi, trong 3 tháng mùa khô còn lại, phụ tải điện toàn hệ thống đạt khoảng 26,4 tỷ kWh.
Trong đó, tháng 4 và tháng 5, phụ tải dự kiến đạt trung bình 285 triệu kWh/ngày và tháng 6, có thể là 297 triệu kWh/ngày, nhưng mức sản lượng điện phát tối đa chỉ đáp ứng mức 270, 275 và 285 triệu kWh.
Trung bình, mỗi ngày, mức thiếu hụt điện năng của hệ thống điện quốc gia có thể lên tới 10-15 triệu kWh/ngày.
Nếu cung cầu mất cân đối từ 2-5% sản lượng, hệ thống điện quốc gia sẽ hụt tương ứng từ 580- 1,3 tỷ kWh điện năng.
Nguyên nhân lớn nhất là do thời tiết quá khắc nghiệt, hạn hán kéo dài, lượng nước về các hồ ít chưa từng thấy đã khiến thủy điện bị giảm sản lượng.
Vào thời điểm 0h ngày 1/1/2010, thiếu nước đã khiến cho hệ thống điện năm nay hụt mất 1 tỷ kWh thủy điện.
Riêng quí I vừa qua, hệ thống điện bị “mất” tới 500 triệu kWh. Nếu chia 500 triệu kWh cho 3 tháng thì tình hình điện đã không đến mức khó khăn như hiện nay. Bình thường, nguồn thủy điện đóng góp tới 35% sản lượng điện tòan quốc.
Cả nước lại sắp phải tiết giảm điện (ảnh: theo congthuong) |
PV: Xin ông nói rõ hơn vì sao, EVN lại phải khống chế sản lượng thủy điện?
- Việc này là nhằm đảm bảo an toàn cho nhà máy điện trong điều kiện quá thiếu nước, đồng thời, còn phải điều tiết nước cho các mục tiêu quan trọng khác như sinh hoạt, tưới tiêu…
Ví dụ, hồi tháng 9- 10/2009, chúng tôi sống chết mọi giá cũng phải ưu tiên nước sông để đảm bảo việc vận chuyển thiết bị nặng theo đường thủy cho thủy điện Sơn La.
Chúng tôi đã tính toán kỹ, khi khống chế sản lượng điện như vậy, sẽ đảm bảo mực nước trong hồ thủy điện tụt dần dần đến hết mùa khô, xuống đến mực nước chết là vừa. Mùa mưa bắt đầu sẽ bù đắp lại.
Ở mực nước chết, nguyên tắc là không thể chạy máy thủy điện. Còn nếu để hồ thủy điện cạn quá mực nước chết, sẽ đồng nghĩa là mất công suất điện, nguồn thủy điện bị “treo”. Như vậy là vô cùng nguy hiểm cho hệ thống điện quốc gia.
Chính vì thế, lượng nước tích trữ được hiện nay buộc phải “chia” ra để dùng.
Sẽ tiết giảm điện
PV: Như vậy, chúng ta sẽ phải tiết giảm điện và cắt điện luân phiên?
- Trước tình hình căng thẳng này, chúng tôi sẽ buộc phải tiết giảm phụ tải. Hiện nay, chúng tôi đang tính toán các phương án tiết giảm phụ tải cụ thể và phân bổ sản lượng điện cho các đơn vị Tổng công ty điện lực.
Thủy điện khô kiệt dẫn tới thiếu hụt điện (ảnh: theo congthuong) |
Việc cắt điện luân phiên sẽ được thực hiện thận trọng, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Trước khi cắt luân phiên, chúng tôi sẽ báo trước cho khách hàng biết, theo đúng qui định của pháp luật.
Các phụ tải ưu tiên trong kế hoạch điều hoà tiết giảm điện vẫn là sản xuất và xuất khẩu, các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, TP. HCM.
Tại mỗi tỉnh, thành phố, danh sách phụ tải ưu tiên sẽ do UBND các tỉnh, thành phố trung ương quyết định và các đơn vị điện lực sẽ căn cứ danh sách này để ưu tiên khi cắt điện luân phiên.
Ngoài ra, với những khách hàng lớn, tiêu thụ trung bình trên 100.000 kWh/tháng, các công ty điện sẽ có thông báo bằng văn bản.
Còn đối với cá nhân, hộ gia đình sử dụng điện, các Tổng công ty điện phải đăng tải trên báo chí và website của đơn vị.
Tuy nhiên, một số trường hợp bất khả khảng, sẽ dẫn tới mất điện đột xuất.
PV: Thưa ông, khi thiếu nguồn, EVN phải khai thác cả các nguồn đắt tiền như chạy dầu. Càng chạy nguồn đắt tiền, sẽ càng lỗ. Dư luận cho rằng, EVN sẽ thường “cắt điện” để giảm lỗ. Ông có ý kiến gì về việc này?
Chúng tôi thực hiện nghiêm túc theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, khi thiếu điện, phải huy động tối đa mọi nguồn khác có thể, dù là giá cao, cũng phải chạy, phải mua.
Ngay từ quí 4 năm 2009, chúng tôi đã phải chạy dầu rồi chứ không phải đến bây giờ. Giá thành phát điện chạy dầu tới 4.000- 5.000 đồng/kWh, trong khi giá bán điện bình quân năm 2010 chỉ hơn 1.000 đồng/kWh.
Năm 2009, EVN đã lỗ tới 2.000 tỷ đồng do phải huy động nguồn đắt tiền.
Chúng tôi khẳng định và cam kết, không có chuyện cắt điện, giảm lỗ như vậy.
PV: Vậy việc mua điện từ Trung Quốc để hạn chế tình trạng thiếu điện năm nay đã được EVN thực hiện thế nào?
- Chúng tôi đã làm việc với các đối tác ở Vân Nam, Trung Quốc thì thấy, họ cũng rất khó khăn, cũng bị hạn hán như chúng ta. 500 sông suối của Trung Quốc cũng đang khô kiệt và họ đã phải tiết giảm tới 30% sản lượng điện toàn hệ thống.
Năm nay, chúng tôi dự kiến mua của Trung Quốc 4,1 tỷ kWh, chiếm 4% tổng sản lượng điện. Do hạn hán nên phía bạn đã đề nghị chúng tôi phải giảm sản lượng đăng ký mua, vì họ cũng không đủ điện để bán.
Hiện nay, công ty lưới điện Vân Nam đã tạm ngừng cấp điện đường dây 220 kWV Tân Kiều – Lào Cai và đường dây 110 kV Hà Khẩu- Lào Cai để thi công công trình sửa chữa. Việc này cũng là bất khả kháng.
Tất nhiên, đây cũng là một khó khăn trong việc phải tăng cường bổ sung mua điện để bù đắp thủy điện thiếu hụt.
- 2780 reads
Bài viết liên quan
- 2 reads